Chấn thương tủy sống có thể xảy ra ở bất kỳ vùng nào của tủy sống và khiến người bệnh có nguy cơ bị bại liệt. Hiện nay, các nhà khoa học đã chứng minh tế bào gốc có khả năng điều trị chấn thương tủy sống. Hãy cùng Medeze tìm hiểu về việc ứng dụng tế bào gốc chữa chấn thương tuỷ sống trong bài viết dưới đây. Thông tin chung về tủy sống Tủy sống là gì? Tủy sống là một phần của hệ thống thần kinh trung ương. Tủy sống có cấu trúc hình trụ dài, là bộ phận kết nối não và cột sống. Nó là một bó mô tương đối nhỏ với khối lượng 35g và đường kính khoảng 1 cm. Tủy sống bao gồm chất xám ở giữa và bao quanh bởi chất trắng. Chất xám là căn cứ (trung khu) của các phản xạ không điều kiện và chất trắng là các đường dẫn truyền nối các căn cứ trong tủy sống với nhau và với não bộ. Tủy sống là một bộ phận quan trọng trong cơ thể Vai trò của tủy sống với cơ thể Tủy sống là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hằng ngày của con người. Tủy sống mang tín hiệu thần kinh từ não đến các bộ phận khác của cơ thể, ra lệnh cho các cơ để di chuyển. Bên cạnh đó, tủy sống giúp não bộ nhận ra thông tin về cảm giác mà con người gặp phải. Tủy sống còn cung cấp các mạch thần kinh riêng biệt cho nhiều phản xạ của chúng ta như phản xạ rút lui (khi chạm vào vật nóng). Có thể thấy, tủy sống là một bộ phận đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cấu tạo cơ thể con người. Chấn thương tủy sống là gì? Thông tin chung về chấn thương tủy sống Chấn thương tủy sống (Spinal cord injury – SCI) có thể do chấn thương trực tiếp đến từ tủy sống hoặc do tổn thương mô và xương (đốt sống) bao quanh tủy sống. Tổn thương tủy sống có thể gây ra những thay đổi tạm thời hoặc vĩnh viễn về cảm giác, chuyển động, các chức năng,… của vị trí bị chấn thương. Tổn thương tủy sống có thể gây ra một hoặc nhiều các triệu chứng. Các triệu chứng thường thấy của chấn thương tủy sống như: Đau đầu, cổ hoặc lưng Tê, ngứa ran, mất cảm giác tay và chân Không thể vận động Khó thở Khó khăn trong việc đi lại Yếu sức hoặc không thể di chuyển bất kỳ bộ phận nào của cơ thể Có hai loại chấn thương tủy sống là chấn thương hoàn toàn hoặc không hoàn toàn Chấn thương tủy sống hoàn toàn: Khi gặp phải tình trạng này, tủy sống không có liên lạc với thần kinh ở vị trí bị chấn thương. Lúc này, vị trí bị thương sẽ mất chức năng cảm giác và vận động. Chấn thương tủy sống không hoàn toàn: Tủy sống vẫn có thể truyền một số thông tin từ vị trí chấn thương đến não hoặc từ não đến vị trí chấn thương. Những người bị chấn thương tủy sống không hoàn toàn vẫn giữ được một số chức năng cảm giác và có thể kiểm soát được một số hoạt động của cơ bên dưới vị trí chấn thương. Chấn thương tủy sống được chẩn đoán như thế nào? Các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra cử động hoặc cảm giác ở các vị trí bị chấn thương. Đồng thời, bệnh nhân cũng sẽ được kiểm tra nhịp thở, khả năng phản ứng,… Các xét nghiệm y tế cần thiết để chẩn đoán chấn thương tủy sống gồm có: Chụp cộng hưởng từ (MRI): đây là phương pháp tạo ra hình ảnh ba chiều chi tiết về cấu trúc cơ thể, bao gồm: mô, xương, dây thần kinh, cơ quan. Chụp MRI có thể cho thấy chấn thương não và cột sống, thoát vị đĩa đệm, bất thường về mạch máu, chấn thương dây chằng hỗ trợ cột sống cổ,… Chụp cắt lớp vi tính (CT): đây là phương pháp giúp cung cấp hình ảnh hai chiều nhanh chóng, rõ ràng về các cơ quan, xương và mô . CT có thể phát hiện được hiện tượng gãy xương, chảy máu, hẹp ống sống (tình trạng ống sống bị thu hẹp gây chèn ép lên tủy sống và/hoặc các rễ thần kinh). Chụp X-quang (X-rays): phương pháp này cho thấy hình ảnh hai chiều của hầu hết các bộ phận của cơ thể, ví dụ như hệ thống khớp hoặc các cơ quan chính như tim, phổi,… Từ đó, các chấn thương có thể nhìn thấy một cách nhanh chóng. Những phương pháp điều trị chấn thương tủy sống Ngay khi tại nạn xảy ra, nếu nghi ngờ nạn nhân bị chấn thương tủy sống, nhân viên cấp cứu sẽ giữ cố định cổ, sau đó cẩn thận đưa nạn nhân lên một tấm ván để tránh tủy sống bị tổn thương thêm. Họ có thể dùng thuốc an thần để bệnh nhân được nghỉ ngơi và tránh chuyển động. Ngoài ra, nếu nạn nhân khó khăn trong việc hô hấp, đội ngũ y tế có thể đặt ống thở. Bệnh nhân nghi ngờ chấn thương tủy sống cần được đặt cố định Hiện nay, có những phương pháp điều trị chấn thương cột sống là phẫu thuật và cố định giúp phục hồi cột sống. Phẫu thuật Bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để loại bỏ bất kỳ đốt sống bị gãy, mảnh xương hoặc các vật thể đang đè lên cột sống. Phẫu thuật sẽ giúp giảm áp lực trong cột sống. Trong một vài trường hợp, phẫu thuật sớm có thể giúp bệnh nhân mau phục hồi chức năng ở các vị trí bị tổn thương. Cố định giúp phục hồi cột sống Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ được sử dụng nẹp cứng hoặc lực cơ học để căn chỉnh lại cột sống. Việc này thường được thực hiện càng sớm càng tốt để ngăn ngừa cột sống bị tổn thương thêm. Sau đó, bệnh nhân có thể kết hợp với việc tập phục hồi chức năng để hỗ trợ cho quá trình phục hồi sau chấn thương. Bệnh nhân tập phục hồi chức năng để hồi phục sau chấn thương tủy sống Ứng dụng tế bào gốc chữa chấn thương tủy sống như thế nào? Tế bào gốc là gì? Hiện nay, tế bào gốc là một hướng đi đầy tiềm năng trong việc điều trị bệnh. Tế bào gốc là các tế bào đặc biệt có khả năng phát triển thành các tế bào khác nhau, từ tế bào cơ cho đến tế bào não. Tế bào gốc có thể được dùng để bổ sung, thay thế hoặc sửa chữa các tế bào đã già yếu trong cơ thể con người. Tế bào gốc là loại tế bào gốc có khả năng tự đổi mới và biệt hóa thành những tế bào khác nhau trong cơ thể. Ứng dụng tế bào gốc chữa chấn thương tuỷ sống Năm 2013, tại Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành ứng dụng tế bào gốc chữa chấn thương tuỷ sống. Bệnh nhân được điều trị là nam giới (29 tuổi) bị tai nạn xe máy dẫn đến tình trạng mất vận động hai chi dưới, mất phản xạ cơ thắt, đại tiểu tiện không tự chủ. Tại Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân đã được cấy ghép tế bào gốc lấy từ mô mỡ tự thân. Ngày thứ ba sau khi ghép, bệnh nhân đã có cảm giác ở vùng ngang cột sống vùng ngực và được chuyển đến giai đoạn phục hồi chức năng. Tế bào gốc được chứng minh có thể điều trị chấn thương tủy sống Bên cạnh ứng dụng tế bào gốc có nguồn gốc từ mô mỡ tự thân, các nhà khoa học cũng nghiên cứu điều trị chấn thương tủy sống bằng tế bào gốc lấy từ tủy xương. Ngày 18/2/2021, trên Tạp chí Thần kinh Lâm sàng và Phẫu thuật Thần kinh, các nhà nghiên cứu từ Đại học Yale (Hoa Kỳ) và Nhật Bản báo cáo rằng việc tiêm tế bào gốc có nguồn gốc từ tủy xương (MSC) vào tĩnh mạch các bệnh nhân bị chấn thương tủy sống đã giúp họ cải thiện đáng kể chức năng vận động. Nghiên cứu này được thực hiện trên các bệnh nhân bị tổn thương tủy sống do ngã hoặc chấn thương nhẹ. Họ bị mất đi chức năng vận động và phối hợp, mất cảm giác hoặc rối loạn chức năng ruột và bàng quang. Các bác sĩ lấy tế bào gốc từ tủy xương của chính các bệnh nhân này, nuôi cấy chúng trong một khoảng thời gian sau đó tiêm vào tĩnh mạch bệnh nhân. Kết quả cho thấy, chỉ vài tuần sau khi tiêm tế bào gốc, hơn một nửa số bệnh nhân đã được cải thiện một cách đáng kể các chức năng chính như đi lại hoặc sử dụng tay. Không có tác dụng phụ đáng kể nào được báo cáo. Có thể thấy, tế bào gốc là một phương pháp điều trị chấn thương tủy sống đã được chứng minh là mang lại hiệu quả tích cực đối với người bệnh. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về việc sử dụng tế bào gốc chữa chấn thương tuỷ sống để mở ra nhiều cơ hội hơn cho các bệnh nhân.