Thị trường điện hạt nhân đầy tiềm năng ở châu Á Nhu cầu cao Châu Á với tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới đang đặt ra vấn đề phát triển năng lượng hạt nhân vì nguồn năng lượng hóa thạch (dầu mỏ) đang ngày càng cạn kiệt cùng với thảm họa về môi trường như vụ tràn dầu ở vịnh Mexico cũng như tình trạng khí thải CO2 tăng cao. Theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới có trụ sở đặt tại London, hiện ở châu Á có 37 lò phản ứng hạt nhân lớn đang được xây dựng so với 18 lò ở phần còn lại của thế giới may bien tan gia re. Tổng số lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động ở 5 nước trong khu vực này là 106 lò. Trung Quốc, một cường quốc mới nổi về điện hạt nhân cũng có kế hoạch tăng sản lượng điện hạt nhân lên gấp 8 lần vào năm 2020, tương đương với 70GW. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ điện lớn thứ nhì thế giới sau Mỹ. Năm 2007, Trung Quốc từng đặt mục tiêu tăng công suất điện hạt nhân lên 40GW vào cuối năm 2020 nhưng giờ đây mục tiêu này có thể đạt sớm hơn 5 năm nên họ đặt ra mục tiêu cao hơn. Hiện Trung Quốc có 11 lò phản ứng hạt nhân phát điện đang hoạt động với tổng công suất 9GW, chỉ chiếm trên 1% trong tổng sản lượng điện 874GW của nước này, còn điện sản xuất từ than đá chiếm đến 3/4. Dự kiến đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có 28 nhà máy điện hạt nhân. Đối với khu vực Đông Nam Á, nhu cầu năng lượng đang trên đà tăng vọt đòi hỏi các nước phải cấp tốc tìm phương cách đáp ứng. Trong cuộc hội thảo gần đây tại Singapore, các chuyên gia thẩm định rằng: Từ nay đến năm 2030, nhu cầu năng lượng của toàn vùng châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng 2,4% mỗi năm. Tốc độ này gấp đôi so với nhu cầu của các nước còn lại trên thế giới. Từ Singapore, Indonesia, Malaysia, cho đến Thái Lan, Philippines và Việt Nam, trong thời gian gần đây, vấn đề điện nguyên tử đã trở thành trọng tâm xem xét. Ngoài Việt Nam dự kiến sẽ có nhà máy điện nguyên tử đầu tiên công suất 4.000MW hoạt động từ năm 2020, Singapore đang tiến hành nghiên cứu khả thi về việc thiết lập các nhà máy điện nguyên tử. Malaysia phác thảo kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước này vào khoảng năm 2021. Thái Lan và Indonesia cũng xem xét việc thành lập các trung tâm điện nguyên tử, nhưng đang gặp phải những phản ứng dữ dội từ phía các địa phương nơi chính quyền muốn đặt nhà máy. Ngoài khu vực Đông Nam Á, tại Bangladesh, vào tháng 5 vừa qua, nước này đã ký với Nga hiệp định xây dựng 2 nhà máy điện nguyên tử vào năm 2015. Tiêu chí an toàn Tiêu chí an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân chính là một trong những yếu tố chủ yếu mà những người phản đối năng lượng nguyên tử đưa ra để chống lại các kế hoạch xây dựng nhà máy. Những người này lo ngại sự thiếu kinh nghiệm của Đông Nam Á trong lĩnh vực điện hạt nhân, thiếu từ chuyên gia cho đến nhân viên kỹ thuật lành nghề, hay khung pháp lý chặt chẽ để quản lý vấn đề này. Họ cũng hoài nghi về nhận thức cần thiết phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các nhà máy điện hạt nhân trong một khu vực thường xuyên bị thiên tai như động đất, núi lửa hay bão tố đe dọa. Thảm họa đối với con người do vụ nổ nhà máy Tchernobyl ở Ukraina vào năm 1986 là một cảnh báo hậu quả khốc liệt mà việc chạy theo điện nguyên tử có thể gây ra. Theo Tổ chức Hòa bình Xanh, tốt nhất. Đông Nam Á nên phát huy các nguồn năng lượng tái tạo rất dồi dào trong vùng như địa nhiệt hay điện mặt trời, thay vì mạo hiểm vào con đường năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, đối với những người bảo vệ điện nguyên tử thì các trở ngại nói trên không phải không thể vượt qua. Theo bà Martine Letts, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế Lowry ở Sydney, Australia: “Không có lý do gì để khẳng định các trung tâm điện hạt nhân ở Đông Nam Á nguy hiểm hơn các nơi khác”. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một điển hình tốt trong lĩnh vực này khi đã tạo nền tảng cho các nhà máy điện nguyên tử từ hơn 10 năm qua. Nền tảng đó bao gồm hoạch định chính sách, quy định, đào tạo đội ngũ kỹ sư về công nghệ hạt nhân, an toàn hạt nhân và chính sách hạt nhân. Chào hàng Nắm rõ nhu cầu xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung đang rất lớn, đã bắt đầu cuộc chạy đua giữa các nước nhằm chào hàng công nghệ hạt nhân, nổi bật lên là Nga và Nhật Bản. Trong cuộc họp vừa qua của các bộ trưởng năng lượng APEC, nước chủ nhà Nhật Bản đã tranh thủ mời phái đoàn từ các nước Đông Nam Á đến thăm lò phản ứng hạt nhân Monju ở Tsuruga. Monju vừa mới hoạt động trở lại hồi tháng 5, sau hơn 14 năm gián đoạn do hỏa hoạn. Các quan chức Nhật Bản khẳng định lò này sử dụng công nghệ phản ứng tái sinh tốc độ cao có thể sản xuất được nhiều năng lượng hạt nhân hơn là lượng nhiên liệu tiêu thụ. Các công ty về điện hạt nhân của Nga cũng là đối thủ đáng gờm của Nhật Bản trong cuộc đua đầu tư vào châu Á. Mátxcơva có kinh nghiệm khá nhiều về điện hạt nhân vì Liên Xô từng là nước có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới, đó là lò phản ứng Obninsk xây dựng vào năm 1954. Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh là 3 nước chọn Nga trong việc giúp họ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Ngoài ra, các nước khác như Mỹ, EU, thậm chí cả Trung Quốc cũng không muốn chậm chân tại thị trường điện hạt nhân đầy tiềm năng ở châu Á.