Mọc răng khôn nên uống thuốc gì để giảm đau là mối quan tâm của khá nhiều người. Bởi khi răng khôn mọc, mô nướu và các răng xung quanh bị kích thích dẫn đến đau nhức, khó chịu, sốt, sưng má,… Những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc lựa chọn được loại thuốc phù hợp và sử dụng một cách an toàn hơn. Mọc răng khôn nên uống thuốc gì? Khi mọc răng khôn, mô nướu xung quanh thường bị kích thích dẫn đến tình trạng sưng viêm, nhạy cảm và dễ đau nhức. Một số người có cơ địa nhạy cảm còn có thể gặp phải tình trạng chảy máu, ứ dịch và mủ bên trong nướu răng. Thông thường các triệu chứng khó chịu này sẽ thuyên giảm chỉ sau vài ngày. Tuy nhiên, răng đau nhức ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh hoạt, giấc ngủ,… Ngoài các cách giảm đau răng tại nhà, bạn cũng có thể dùng một số loại thuốc để cải thiện tình trạng đau nhức và sưng nướu răng trong thời gian mọc răng khôn. Nếu đang băn khoăn về vấn đề “Mọc răng khôn nên uống thuốc gì?”, bạn có thể tham khảo một số loại thuốc được sử dụng phổ biến sau: 1. Paracetamol – Thuốc giảm đau, hạ sốt Paracetamol là thuốc giảm đau, hạ sốt không kê toa được sử dụng rất rộng rãi. Thuốc có phạm vi chỉ định rộng bao gồm cả những trường hợp bị đau nhức răng và sốt nhẹ do mọc răng khôn. Do đó, bạn cũng có thể sử dụng loại thuốc này trong thời gian mọc răng để cải thiện các triệu chứng khó chịu. Paracetamol vừa có tác dụng hạ sốt và giảm đau nên mang lại hiệu quả rõ rệt khi sử dụng. Để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu, bạn nên sử dụng thuốc ở dạng sủi (có thể dùng bột sủi hoặc viên sủi đều được). Sau khoảng 30 phút sử dụng, tình trạng răng đau nhức và sưng viêm sẽ thuyên giảm đáng kể. Paracetamol là loại thuốc khá an toàn ở liều điều trị. Tuy nhiên, vì tính phổ biến nên loại thuốc này dễ bị lạm dụng và sử dụng quá liều. Để đảm bảo an toàn, bạn nên trao đổi với dược sĩ nhằm nắm rõ liều lượng và tần suất sử dụng. Ngoài ra cần đảm bảo, khoảng cách giữa 2 liều phải ít nhất 4 giờ đồng hồ. Thuốc giảm đau, hạ sốt Paracetamol ít khi gây ra tác dụng phụ hoặc chỉ gây ra một số tác dụng ngoại ý có mức độ nhẹ như buồn nôn, nôn mửa,… Trong thời gian dùng thuốc, nên tránh uống rượu bia và không nên dùng đồng thời với các loại thuốc gây độc lên gan. Xem thêm: bọc răng sứ nacera q3 có tốt không 2. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) cũng có thể được sử dụng khi bị đau nhức do mọc răng khôn. Nhóm thuốc này được dùng cho những trường hợp bị dị ứng hoặc triệu chứng không thuyên giảm khi dùng Paracetamol. NSAID có một số loại thuốc không cần kê toa nên bạn có thể dễ dàng sử dụng khi gặp phải tình trạng răng đau nhức, sưng và nhạy cảm. NSAID vừa có tác dụng hạ sốt nhẹ vừa giúp chống viêm và giảm đau nên mang lại hiệu quả rõ rệt hơn so với Paracetamol. Vì vậy, bạn có thể dùng một số loại thuốc chống viêm không steroid như Ibuprofen, Diclofenac,… để cải thiện các triệu chứng do mọc răng khôn gây ra. Tuy nhiên, loại thuốc này tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ hơn so với Paracetamol và không được khuyến khích dùng cho trẻ dưới 12 tuổi. Thuốc chống viêm không steroid làm giảm sinh tổng hợp prostaglandin – chất trung gian trong phản ứng gây viêm. Tuy nhiên, chất này giữ nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể. Vì vậy khi dùng thuốc, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như đau dạ dày, ợ nóng, chóng mặt, nhức đầu,… Lạm dụng NSAID quá mức có thể gây viêm loét dạ dày, thậm chí là chảy máu đường tiêu hóa. Do đó trước khi dùng loại thuốc này, bạn nên trao đổi với dược sĩ để dùng thuốc đúng liều lượng. Ngoài ra, nên uống thuốc sau khi ăn no, kiêng rượu bia, thuốc lá, đồ ăn có vị chua, mặn,… để giảm tác hại lên dạ dày và các cơ quan tiêu hóa khác. 3. Thuốc kháng viêm dạng men (Alphachymotrypsin) Trong trường hợp nướu răng bị sưng viêm nhiều, bạn cũng có thể dùng thuốc kháng viêm dạng men (thuốc chống viêm enzyme) thay vì NSAID. Alphachymotrypsin là loại thuốc thông dụng nhất và chủ yếu được dùng cho những trường hợp bị sưng nướu, niêm mạc miệng. Alphachymotrypsin được điều chế từ tuyến tụy của bò với khả năng đẩy nhanh quá trình tiêu hiện tượng tụ máu và sưng viêm ở các mô mềm. Cơ chế của thuốc được xác định là nhờ có tác dụng thủy phân protein, qua đó làm tiêu hủy cấu tạo fibrin do hiện tượng viêm cấp và mãn tính tạo ra. Tuy nhiên khi dùng Alphachymotrypsin, cần tránh sử dụng đậu nành vì thực phẩm này chứa các protein gây ức chế hoạt tính của thuốc. Đối với loại thuốc này, bạn có thể uống trực tiếp với nước (nên uống nhiều nước để tăng hoạt tính của thuốc). Hoặc có thể ngậm bên dưới lưỡi đợi cho thuốc tan từ từ. Trong trường hợp nướu sưng nhiều, bạn nên ngậm dưới lưỡi để nhận thấy hiệu quả rõ rệt hơn. Không nên sử dụng thuốc chống viêm dạng men nếu đang mang thai hoặc đang cho con bú. Trong thời gian dùng thuốc, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, đầy hơi, nặng bụng, thay đổi cân nặng, sắc tố da và mùi phân. Các tác dụng phụ này chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn và thuyên giảm nhanh sau khi ngưng thuốc. 4. Kháng sinh Khi mọc răng khôn, bạn có thể gặp phải tình trạng viêm lợi trùm do một phần lợi bao phủ lên bề mặt răng. Trong trường hợp lợi bị viêm nhiễm và ứ mủ, có thể trao đổi với dược sĩ/ bác sĩ để được chỉ định dùng kháng sinh. Kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và ngăn chặn viêm nhiễm lan rộng. Sau 5 – 7 ngày sử dụng, tình trạng viêm nhiễm cấp tính sẽ được kiểm soát hoàn toàn. Các loại kháng sinh thường được dùng khi mọc răng khôn bao gồm Metronidazole, Spiramycin, Amoxicillin,… Kháng sinh là nhóm thuốc có nhiều tác dụng phụ. Tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi còn gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh trong cộng đồng. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng nhóm thuốc này khi gặp phải tình trạng viêm lợi trùm. Ngoài ra, khi dùng thuốc cần chú ý đến những biểu hiện bất thường và thông báo với dược sĩ/ bác sĩ nếu gặp phải các tác dụng phụ. 5. Viên uống bổ sung vitamin C Mọc răng khôn không chỉ khiến răng đau nhức và sưng viêm mà còn gây ra tình trạng sốt nhẹ và mệt mỏi. Lúc này, hệ miễn dịch của cơ thể tập trung để ngăn ngừa viêm nhiễm ở răng khôn nên cảm giác mệt mỏi sẽ kéo dài trong khoảng vài ngày. Ngoài sử dụng các loại thuốc giảm triệu chứng, bạn cũng có thể dùng viên sủi, viên uống bổ sung vitamin C để cải thiện hệ miễn dịch và giảm đau nhức, khó chịu. Với sự hỗ trợ của loại vitamin này, tình trạng mệt mỏi sẽ thuyên giảm nhanh chóng. Dùng thuốc khi mọc răng khôn cần lưu ý gì? Sử dụng thuốc khi mọc răng khôn có thể giảm nhanh các triệu chứng khó chịu như đau nhức, sưng nướu, nướu nhạy cảm, dễ chảy máu,… Tuy nhiên trước khi dùng thuốc, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau: Chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết, đặc biệt là thuốc điều trị triệu chứng. Nếu cơn đau có mức độ không quá nghiêm trọng, bạn nên dùng vitamin C kết hợp với các biện pháp tại nhà để cải thiện tình trạng. Mọc răng khôn khiến nướu răng trở nên nhạy cảm hơn. Do đó trong thời gian này, bạn nên kiêng đồ ăn, thức uống quá nóng hoặc quá mạnh, các món ăn chứa nhiều gia vị cay nóng, mặn và thực phẩm cứng, khô, dai,… Thay vào đó, nên dùng các món ăn mềm, lỏng và nguội để giảm áp lực lên răng và giảm nhẹ các triệu chứng khó chịu. Không tự ý phối hợp các loại thuốc với nhau. Nếu có ý định dùng cùng lúc nhiều loại thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến dược sĩ để được tư vấn cụ thể. Đa phần răng khôn mọc đều có hiện tượng mọc lệch, mọc ngang. Do đó, nên đến phòng khám chụp X quang răng khôn để phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề bất thường (nếu có). Bài viết đã tổng hợp các thông tin giải đáp “Mọc răng khôn nên uống thuốc gì?”. Nếu có ý định dùng thuốc, bạn nên tham khảo ý kiến dược sĩ/ bác sĩ để tránh các tác dụng không mong muốn. Trong trường hợp cơn đau có mức độ không quá nghiêm trọng, nên áp dụng các biện pháp tại nhà để đảm bảo an toàn.