Để định giá các giá trị môi trường, các nhà kinh tế sử dụng phương pháp sơ cấp và thứ cấp. Phương pháp sơ cấp cần phải có sự thu thập và xử lý số liệu dựa trên các mô hình. Phương pháp này bao gồm: Phương pháp chi phí y tế, phương pháp đánh giá hưởng thụ, phương pháp đánh giá ngẫu nhiên, phương pháp chi phí du lịch,… Phương pháp thứ cấp dựa vào kết quả nghiên cứu từ phương pháp sơ cấp, xác định hoặc hiệu chỉnh hoặc thay đổi các thông số từ kết quả nghiên cứu. Phương pháp này có Phương pháp chuyển giao giá trị 1. Phương pháp định giá sơ cấp Cơ sở để định giá chính là giá trị sẵn lòng chi trả (WTP- Willing to pay) của cá nhân cho những thiệt hại môi trường, để ngăn chặn thiệt hại môi trường hoặc những lợi ích môi trường nhận được Có nhiều phương pháp khác nhau có thể được sử dụng trong đánh giá kinh tế các tác động môi trường. Các phương pháp có thể được phân nhóm thành hai phạm trù khái quát như sau: (theo Turner, Pearce, and Bateman, 1994) * Các phương pháp không dùng đường cầu Phương pháp này không thể cung cấp nhưng thông tin đánh giá và các đo lường phúc lợi “thực”. Tuy nhiên, phương pháp này là công cụ hữu ích để thẩm định chi phí, lợi ích của các dựa án, chính sách. – Phương pháp thay đổi năng suất (Changes in Productivity): được sử dụng khi có những thay đổi sản lượng do tác động của môi trường để xác định giá trị kinh tế của sự thay đổi (ví dụ: giảm sản lượng mùa vụ hay năng suất đánh bắt cá) Nếu tác động môi trường có ảnh hưởng bất lợi tới sản lượng, giá trị sản lượng giảm là chi phí đối với xã hội. Ngược lại, nếu tác động môi trường có ảnh hưởng tích cực tới sản lượng (ví dụ, hạn chế xói mòn đất hay cải thiện chất lượng nước) thì giá trị sản lượng tăng là lợi ích cho xã hội. Phương pháp này được tiến hành như sau: thiết lập mối tương quan giữa các tác động môi trường và mức thay đổi về sản lượng. Mối tương quan này này được gọi là hàm phản ứng theo liều lượng (dose-response function). Hàm phản ứng theo liều lượng thiết lập mối quan hệ giữa thay đổi về chất lượng môi trường và ảnh hưởng của nó tới sản lượng. Ví dụ, hàm phản ứng theo liều lượng có thể cho thấy với 1% lớp đất trên cùng bị mất đi, sản lượng sẽ giảm 5%/ha; hay hàm phản ứng theo liều lượng có thể thiết lập mối tương quan giữa ô nhiễm nước với sản lượng cá, giữa mức lắng đọng trầm tích trong hồ chứa nước với sản lượng điện. Khi mức thay đổi về sản lượng đã được xác định, sử dụng giá thị trường đã có sự hiệu chỉnh (giá bóng/giá mờ – shadow price) (giá có sự điều chỉnh với thuế, trợ cấp,…nếu có) được sử dụng để ước tính giá trị kinh tế của sự thay đổi về sản lượng đó.Phương pháp thay đổi năng suất có thể áp dụng trong trường hợp tương quan giữa các tác động môi trường và năng suất có thể xác định được. Phương pháp này có ưu điểm là có thể xác định được trực tiếp giá trị kinh tế của sự thay đổi, dựa trên giá và các mức sản lượng có thể quan sát được ở trên thị trường. Một khó khăn lớn nhất của phương pháp này là việc xác định mối tương quan này. Lý do ở chỗ: Năng suất không chỉ phụ thuộc vào chất lượng môi trường hay khối lượng tài nguyên, mà còn phụ thuộc vào nhiều biến số khác. Ví dụ, lượng mưa, kỹ thuật canh tác, phân bón, giống,… Do đó, có thể sẽ không dễ dàng khi thiết lập mối quan hệ giữa môi trường và năng suất trong mọi tình huống. Tuy nhiên, nếu đã xác định được hàm phản ứng theo liều lượng (ví dụ, xác định hàm này bằng cách kế thừa kết quả từ các nghiên cứu có trước) thì phương pháp thay đổi năng suất có thể cho ta các kết quả đánh giá kinh tế hợp lý với chi phí và thời gian tối thiểu. – Phương pháp chi phí thay thế (Substitue Cost Method): khi con người chịu tác động bất lợi trực tiếp từ việc chất lượng môi trường bị suy giảm, con người sử dụng một số biện pháp nhằm loại bỏ những tác động bất lợi đó. Ví dụ, trong trường hợp ô nhiễm tiếng ồn, dân cư hai bên đường cao tốc có thể lắp kính cách âm để làm giảm tiếng ồn. Từ đó, người ta tìm ra một phương pháp để đánh giá kinh tế đối với tác động môi trường phát sinh do ô nhiễm tiếng ồn. Phương pháp này có thể thực hiện đơn giản bằng cách đánh giá xem cần phải bao nhiêu chi phí để duy trì sự yên tĩnh. Phương pháp này được thực hiện như sau: Ban đầu, ước tính số lượng các yếu tố đầu vào cần thiết được sử dụng để bù đắp ảnh hưởng của các tác động môi trường. Sau đó, xác định giá thị trường đã được hiệu chỉnh của các yếu tố đầu vào đó (tức là giá sau khi đã loại trừ các khoản trợ cấp và thuế,… nếu có). Tiếp theo, xác định tỷ lệ thay thế kỹ thuật giữa chất lượng môi trường với hàng hoá thay thế. Và cuối cùng là ước tính giá trị của hàng hoá môi trường Phương pháp này có thể áp dụng trong một một số tình huống như: tác động của ô nhiễm không khí có ảnh hưởng tới cơ sở hạ tầng như cầu đường và nhà cửa. Trong trường hợp ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng, nhà cửa và cầu đường cần phải được bảo trì và sửa chữa thường xuyên hơn. Chi phí cho việc bảo trì và sửa chữa là một phần trong đánh giá kinh tế đối với ô nhiễm không khí. – Phương pháp chi phí phòng ngừa (Preventive Cost Method): trong nhiều trường hợp, người ta phải bỏ nhiều tiền để tránh các thiệt hại có thể nhìn thấy được. Ví dụ, uống nước đóng chai, mua bình lọc nước để tránh mắc bệnh kiết lị; người nông dân ở vùng đất thấp chịu phí tổn để tránh xói mòn làm thiệt hại mùa màng. Khi con người sẵn lòng trả tiền nhằm chống lại những ảnh hưởng có thể xảy ra khi môi trường suy thoái, những chi phí này có thể được sử dụng làm cơ sở tính toán các phí tổn do ảnh hưởng môi trường gây ra. Các chi phí phòng ngừa thường là chỉ số chi phí nhỏ hơn chi phí thực (nếu xảy ra), vì các chi phòng ngừa bao giờ cũng bị hạn chế bởi mức thu nhập – Phương pháp chi phí y tế (Cost of illness) Trong nhiều trường hợp, thay đổi về chất lượng môi trường có ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người, ảnh hưởng này có thể dẫn tới những hậu quả làm phát sinh chi phí. Các chi phí mà cá nhân bị ảnh hưởng phải chịu như chi phí y tế, chi phí chăm sóc sức khoẻ, chi phí do nghỉ việc, năng suất lao động giảm trong những ngày ốm. Khi các cá nhân phải trả tiền viện phí, tiền thuốc và các khoản chi phí khác để chữa bệnh, các khoản chi phí này có thể được sử dụng làm cơ sở ước tính ảnh hưởng bất lợi về tình trạng sức khoẻ do sự suy giảm chất lượng môi trường gây ra. Cũng giống như đối với phương pháp thay đổi năng suất, phương pháp này đòi hỏi việc xác lập mối tương quan giữa tác động môi trường và thay đổi tình trạng sức khỏe. Mối tương quan này cũng được gọi là hàm phản ứng theo liều lượng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hàm đó thiết lập mối quan hệ giữa chất lượng môi trường và mức độ phát sinh bệnh tật. Ví dụ, số lượng mắc bệnh hen suyễn do chất lượng không khí xấu gây ra, hay số lượng mắc bệnh đường ruột do không được sử dụng nước sạch. Tiếp theo là ước tính chi phí phát sinh do sức khoẻ bị ảnh hưởng xấu bởi những thay đổi trong môi trường. * Nhóm các phương pháp dùng đường cầu – Phương pháp đo lường mức thoả dụng (Hedonic Pricing Method): Phương pháp này cho biết, giá của một số mặt hàng (ví dụ, tài sản, nhà cửa bay bất động sản khác) có thể bị ảnh hưởng bởi chất lượng môi trường. Một khu đất ở bãi rác sẽ có giá thấp hơn khu đất không có bãi rác gần đó. Tương tự, giá nhà có thể bị ảnh hưởng bất lợi bởi ô nhiễm không khí. Trong trường hợp này, sự khác nhau giữa giá các ngôi nhà bị ô nhiễm và ngôi nhà không bị ô nhiễm không khí có thể được lấy làm cơ sở để đánh giá kinh tế đối với tác động của ô nhiễm không khí. – Phương pháp chi phí du lịch (Travel Cost Method): Phương pháp này được sử dụng thường xuyên nhất khi tiến hành đánh giá kinh tế các địa điểm thường được du khách tới thăm (công viên, khu bảo tồn thiên nhiên, bãi biển,…). Trong những trường hợp như vậy, giá vé vào cửa để tới thăm khu công viên, khu bảo tồn hay bãi biển không thể là cơ sở đúng để đánh giá việc du khách có sẵn lòng chi trả đển thăm công viên, khu bảo tồn hay bãi biển đó hay không vì giá vé này thường rất rẻ. Tuy nhiên, có thể áp dụng tổng số chi phí mà người du lịch sẵn sàng trả cho cả chuyến du lịch để được tới công viên, khu bảo tồn hay bãi biển làm cơ sở cho việc đánh giá. Phương pháp này đòi hỏi phải có điều tra quy mô rộng và có những phân tích thống kê phức tạp – Phương pháp đánh giá ngẫu nhiên (Contingent Value Method). Phương pháp này cũng được thực hiện bằng cách điều tra, lập phiếu câu hỏi để xem xét thái độ của người dân phản ứng ra sao khi chất lượng môi trường thay đổi và thăm dò xem họ sẵn sàng trả bao nhiêu để tránh việc chất lượng môi trường bị suy giảm. Phương pháp này cũng đòi hỏi phải tiến hành các cuộc điều tra, khảo sát và những phân tích thống kê phức tạp. Trong các phương pháp liệt kê ở trên, sự phức tạp của các phương pháp tăng dần. Các phương pháp không sự dụng đường cầu áp dụng đơn giản hơn, các phương pháp sử dụng đường cầu phức tạp hơn. Chẳn hạn, Phương pháp thay đổi năng suất áp dụng khá dễ dàng và được sử dụng để đánh giá kinh tế đối với những ảnh hưởng làm giảm năng suất do tác động môi trường bất lợi (ví dụ, ô nhiễm nước, không khí hay xói mòn đất) Ngoài ra, có các phương pháp khác như Phương pháp chi phí y tế, Phương pháp chi phí thay thế,…cũng là những phương pháp thường được áp dụng, vì không khó lắm về mặt kỹ thuật. Phương pháp khác khó hơn, khá phức tạp, là phương pháp đánh giá ngẫu nhiên, chỉ nên áp dụng khi có đủ năng lực chuyên môn. Ngoài các phương pháp được liệt kê ở trên còn một số các phương pháp khác cũng được sử dụng để đánh giá kinh tế các tác động môi trường như Phương pháp vốn nhân lực, Phương pháp chi phí cơ hội, Phương pháp tính thiệt hại về thu nhập, Mô hình lựa chọn,… 2. Phương pháp định giá thứ cấp Phương pháp chuyển giao giá trị/lợi ích (Benefit/Value Transfer Method): Chuyển giá trị được định giá từ một nghiên cứu đã thực hiên ở một nơi nào đó (study site) đến một địa điểm khác (policy site). Do cần có kết quả thông tin định giá và do thời gian và sự hạn chế về nguồn lực không thể thực hiện được việc định giá. Có ba cách để thực hiện việc chuyển giao giá trị – Chuyển giao giá trị WTP trung bình (lấy kết quả được định giá từ điểm nghiên cứu) – Chuyển giao các giá trị WTP hiệu chỉnh (đã điều chỉnh kết quả định giá từ điểm nghiên cứu do sự khác nhau về thu nhập, giáo dục,…) – Chuyển giao hàm số (lấy hàm số đã ước lượng được từ điểm nghiên cứu hoặc hàm số chung thu được từ kết quả ước lượng các hàm số của các điểm nghiên cứu khác nhau) Có nhiều cách khác nhau phân loại các phương pháp, ngoài cách phân loại ở trên, đây là cách phân loại khác Nhóm phương pháp dựa trên hành vi có thực: phương pháp dựa trực tiếp vào hành vi thực tế của người tiêu dùng hoặc người sản xuất (phương pháp chi phí y tế, phương pháp thay đổi sản lượng, phương pháp chi phí du lịch) và Nhóm phương pháp dựa vào hành vi giả định: phương pháp dựa vào hành vi được giả định và thông tin thu được qua điều tra (vì không thể quan sát được thực tế) (phương pháp đánh giá ngẫu nhiên, mô hình lựa chọn) Ví dụ, cán bộ kế hoạch tại một địa phương nào đó phải quyết định xem có nên đầu hay đầu tư bao nhiêu vào hệ thống đường cung cấp nước. Để làm được việc này, họ phải sử dụng bảng hỏi/phiếu điều tra để thu thập thông tin liên quan đến sở thích của người dân về nước sạch. Sử dụng các phương pháp để thực hiện cách tiếp này khó hơn nhiều so với phương pháp áp dụng cách tiếp cận dựa trên các lựa chọn có thực. Tất cả các giá trị phi sử dụng chỉ có thể được đánh giá không qua phiếu điều tra nhằm thu thập thập thông tin từ cá nhân. Do đó, việc đánh giá tác động đối với các giá trị phi dụng của môi trường là việc làm rất khó. Rate this post Continue reading...