Tích hợp giấy phép lái xe trên VNeID mang lại nhiều tiện ích cho người tham gia giao thông. Nhiều người thắc mắc, nếu bằng lái đã tích hợp VNeID bị mất, bạn cần làm gì để đảm bảo quyền lợi và có cần xin cấp lại bản cứng hay không? Câu trả lời sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây. Giấy phép lái xe tích hợp trên VNeID có hợp lệ không? Theo Thông tư 05/2024/TT-BGTVT, giấy phép lái xe (GPLX) bằng vật liệu PET được xem là hợp lệ nếu các thông tin in trên GPLX như số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn khớp với dữ liệu trong hệ thống quản lý GPLX hoặc có thông tin GPLX đã được xác thực trên VNeID. Điều này đồng nghĩa với việc, khi tham gia giao thông, người dân có thể sử dụng GPLX đã được tích hợp trên VNeID thay cho GPLX vật liệu PET. Theo quy định có hiệu lực từ ngày 1/6, giấy phép lái xe đã xác thực trên VNeID được coi là giấy tờ hợp lệTrong trường hợp bị mất GPLX vật liệu PET, người điều khiển phương tiện vẫn có thể sử dụng GPLX còn thời hạn đã được xác thực trên VNeID để tham gia giao thông mà không bị coi là vi phạm lỗi không có hoặc không mang theo GPLX. Tuy nhiên, để tránh các tình huống bất tiện như điện thoại hết pin hoặc ứng dụng VNeID không hoạt động, người điều khiển phương tiện nên chủ động xin cấp lại GPLX bản cứng để đảm bảo an toàn và thuận tiện hơn khi sử dụng. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý về thời hạn của GPLX. Theo quy định hiện hành, thời hạn của GPLX được áp dụng theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT và Thông tư 01/2021/TT-BGTVT. Cụ thể như sau: GPLX hạng A1, A2, A3 không có thời hạn; GPLX hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam (trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì GPLX được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp); GPLX hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm; GPLX hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp. Thời hạn này được ghi rõ trên giấy phép lái xe. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2025, khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực, sẽ có sự thay đổi về phân hạng và thời hạn của GPLX. Cụ thể: GPLX hạng A1, A, B1 không có thời hạn; GPLX hạng B và hạng C1 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp; GPLX các hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, và DE có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp.. Vì vậy, người tham gia giao thông cần theo dõi các thay đổi này để đảm bảo cập nhật kịp thời và hợp pháp về giấy phép lái xe của mình. Hồ sơ xin cấp lại GPLX Để xin cấp lại GPLX bị mất, người dân cần chuẩn bị bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau: – Bản sao giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn có ghi số giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân đối với người Việt Nam; hộ chiếu còn thời hạn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài; – Bản sao hộ chiếu còn thời hạn trên 6 tháng và thẻ tạm trú hoặc thẻ thường trú hoặc chứng minh thư ngoại giao hoặc chứng minh thư công vụ đối với người nước ngoài; – Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định. – Đơn đề nghị đổi (cấp lại) GPLX theo mẫu quy định có ghi ngày tiếp nhận hồ sơ của cơ quan tiếp nhận; – Bản chính hồ sơ gốc của GPLX bị mất (nếu có). Các giấy tờ này cần được chuẩn bị đầy đủ để làm thủ tục xin cấp lại GPLX một cách nhanh chóng và thuận tiện. Khi mất GPLX bản cứng, người dân có thể sử dụng GPLX đã tích hợp trên VNeID tham gia giao thôngKhi bằng lái xe đã tích hợp trên VNeID bị mất, bạn vẫn có thể sử dụng thông tin bằng lái xe trên VNeID để tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc xin cấp lại bằng lái bản cứng vẫn là một lựa chọn tốt để đảm bảo tính thuận tiện và an toàn trong các tình huống không thể sử dụng điện thoại hoặc gặp sự cố với hệ thống VNeID. Hãy chủ động làm thủ tục cấp lại và theo dõi thời gian, điều kiện liên quan để tránh các rắc rối không đáng có trong quá trình tham gia giao thông. Thông tin chi tiết: "Hồ sơ xin cấp lại GPLX"