Dự án mới về năng lượng địa nhiệt Năng lượng địa nhiệt là năng lượng triển vọng thay thế cho sản xuất điện từ than đá và dầu mỏ. Một dự án thử nghiệm các kỹ thuật khoan và địa chấn tiên tiến ở Kenya đã phát hiện ra các giếng hơi nước có khả năng sản xuất từ 4-5 MW điện và một giếng khác có thể tạo ra 8 MW điện. Dự án này đang được thực hiện bởi Chương trình môi trường LHQ (UNEP) và Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) phối hợp với KenGen, Công ty điện lực của Kenya. Từ các kết quả nghiên cứu máy biến tần giá rẻ, các chuyên gia ước tính có thể tiết kiệm 75 triệu USD chi phí triển khai lắp đặt với công suất 70 MW, cũng như giảm giá điện cho nhà sản xuất và người tiêu dùng. Từ đó, làm thay đổi triển vọng và chi phí sản xuất điện từ năng lượng địa nhiệt ở Đông Phi và nhiều nơi trên thế giới. Các kết quả nghiên cứu lần đầu tiên được thông báo trong Hội nghị của Công ước về khí hậu của LHQ ở Poznan, Poland. Achim Steiner, Giám đốc điều hành UNEP cho rằng, địa nhiệt là năng lượng bản địa, thân thiện với môi trường và công nghệ địa nhiệt đã được sử dụng từ rất lâu. Ít nhất có 4.000 MW điện đã được khai thác dọc Thung lũng Rift. Đã đến lúc phải áp dụng công nghệ này để tạo việc làm, thúc đẩy phát triển nhiên liệu và giảm sự phụ thuộc vào các nhiên liệu hoá thạch gây ô nhiễm và không thể dự báo. Dự án do GEF cấp kinh phí trong 3 năm qua đã sử dụng các kỹ thuật xác định các vị trí khoan mới. Thách thức chủ yếu của việc mở rộng khai thác năng lượng địa nhiệt ở Kenya và những nơi khác dọc Thung lũng Rift là rủi ro khi khoan và chi phí cao nếu hơi nước bị thất thoát. Dự án Joint Geophysical Imanging giá khoảng 1 triệu USD giúp khắc phục các rủi ro này. Kenya đã đề ra mục tiêu sản xuất 1.200 MW năng lượng địa nhiệt vào năm 2015. Nhiều nước trong khu vực có tài nguyên địa nhiệt đã tích cực tham gia phát triển năng lượng địa nhiệt bao gồm quốc đảo Comoros, Cộng hoà dân chủ nhân dân Congo và Rwanda. Quỹ phát triển địa nhiệt Thung lũng Rift ở châu Phi (ARGeo) bảo hiểm rủi ro cho hoạt động khoan khai thác năng lượng địa nhiệt ở Djibouti, Eritrea, Êtiopia, Kenya, Uganda và Tanzania. Hoạt động này sẽ được thực hiện đầu năm 2009 với sự hỗ trợ tích cực của Iceland, nước dẫn đầu thế giới về nền kinh tế địa nhiệt cũng như Đức. Các đánh giá của Viện Chính sách Trái đất ở Washington nêu rõ, công suất của năng lượng địa nhiệt trên toàn cầu đã tăng từ 1.300MW năm 1975 lên khoảng 8.000 MW năm 2000, năm 2007 là gần 10.000 MW và đến năm 2010 sẽ đạt 13.500 MW. Theo một phân tích của Trung tâm năng lượng Risoe của UNEP ở Đan Mạch, hơn 12 dự án mới về năng lượng địa nhiệt đang được chuẩn bị hoặc được đăng ký theo Cơ chế Phát triển sạch của Nghị định thư Kyoto. Trong đó, 2 dự án ở El Salvador có tổng sông suất gần 50 MW; 1 dự án ở Guatemala, 25MW; 4 dự án ở Ấn Độ, 200MW; Nicaragua, 66MW; Papua New Guinea, 55MW và 2 dự ágon ở Philipin, 60 MW. Hoa Kỳ là nước dẫn đầu thế giới về công suất phát điện từ địa nhiệt với khoảng 3.000 MW, tiếp sau là Philipin gần 2.000 MW và Inđônêxia là 1.000 MW.