Theo Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM), trong ba năm qua tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than mới ở khu vực Đông Nam Á liên tục giảm mạnh. Chỉ có một nhà máy công suất 1.500 MW được xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2019 ở Indonesia, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp diễn ra xu hướng giảm về công suất và số lượng các nhà máy nhiệt điện than mới ở Đông Nam Á trong bối cảnh điện tái tạo có sự tăng trưởng. "Việc mở rộng công suất điện đốt than dự kiến ở Đông Nam Á đang bị xẹp đi hơn là bùng nổ. Số lượng nhà máy đi vào xây dựng trong 6 tháng đầu năm 2019 là rất thấp, và chúng ta thấy sự suy giảm này sẽ còn tiếp diễn". Ông Ted Nace, giám đốc điều hành GEM Theo Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (GEM), trong ba năm qua tổng công suất các nhà máy điện than mới ở khu vực Đông Nam Á liên tục giảm mạnh. Nếu như năm 2016 tổng công suất là 12.920 MW thì năm 2017 giảm hơn một nửa, còn 6.355 MW, và tiếp tục giảm hơn một nửa còn 2.744 MW trong năm 2018. Nhiệt điện thoái lui Để đến được công đoạn xây dựng, các dự án phải được cam kết hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, nhiều tổ chức tài chính đang từ chối tài trợ cho các dự án điện than ở các nước thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong năm 2019, Ngân hàng DBS của Singapore, Tập đoàn OCBC trụ sở tại Singapore, Ngân hàng UOB trụ sở ở Singapore và Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ trụ sở tại Nhật Bản là những cái tên mới nhất ở châu Á tham gia danh sách hơn 100 tổ chức tài chính trên thế giới hạn chế và ngừng cho vay với các dự án xây nhà máy nhiệt điện. Trong nhóm 10 nước có kế hoạch phát triển nhiệt điện than hàng đầu thế giới, đứng đầu là Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ. Việt Nam đứng thứ 4, Indonesia thứ 6 và Philippines thứ 8. Nếu tính tổng công suất dự kiến của ba nước Đông Nam Á trên, công suất nhiệt điện than dự kiến của khu vực này sẽ đứng thứ nhì thế giới với 48.924 MW, sau Trung Quốc - 74.229 MW và cao hơn Ấn Độ - 48.752 MW. Tổ chức GEM nhận định những con số trên kế hoạch là lớn nhưng nhiều khả năng các dự án sẽ không thực sự khởi công do vấp phải sự phản đối của công chúng, và điện mặt trời và điện gió ngày càng rẻ hơn, cạnh tranh hơn.