Bên cạnh các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản thì đề xuất cho phép mua bán, chuyển nhượng, vật chứng, tài sản bị kê biên theo hình thức đấu giá công khai được thị trường rất trông chờ. Theo cơ quan soạn thảo, các biện pháp này chỉ được áp dụng khi có đủ 5 điều kiện bắt buộc, thiếu 1 điều kiện thì không được áp dụng… Ảnh minh họa. Ngày 30/10, Quốc hội nghe tờ trình Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Theo tờ trình, bám sát nội dung Đề án xử lý vật chứng, tài sản đã được Bộ Chính trị thông qua, dự thảo Nghị quyết quy định 05 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản (Điều 3). Bao gồm: – Trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; – Nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; – Cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; – Giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; – Tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản. Theo tờ trình, đối với 4 biện pháp xử lý quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 3, Dự thảo Nghị quyết quy định nhất quán, xuyên suốt, chỉ áp dụng khi có đủ 05 điều kiện sau đây (thiếu 01 điều kiện thì không được áp dụng). Một là, chỉ áp dụng đối với nhóm vật chứng, tài sản là: “tiền, bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ” vì có giá trị lớn, phổ biến trong các vụ việc, vụ án. Hai là, việc áp dụng phải có sự đồng ý, chủ động đề nghị của những người liên quan, bảo đảm quyền tài sản của họ, hạn chế tối đa việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đòi bồi thường. Ba là, trước khi quyết định áp dụng, phải trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản theo quy định, bảo đảm khách quan, minh bạch, thu hồi tối đa, không để hao hụt, thất thoát giá trị của tài sản khi xử lý (các khoản 2, 3, 4 Điều 3). Bốn là, phải có sự thống nhất của các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trước khi quyết định áp dụng, bảo đảm không để xảy ra vi phạm, lợi dụng, lạm dụng; bảo đảm nhất quán quan điểm trong xử lý với quyết định của Tòa án khi xét xử (điểm b khoản 7 Điều 3). Năm là, việc xử lý phải không làm ảnh hưởng đến việc chứng minh, giải quyết đúng đắn vụ việc, vụ án. Theo dự thảo, việc mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản thông qua hình thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật trừ trường hợp các đồng sở hữu mua lại vật chứng, tài sản. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng vật chứng, tài sản phải chuyển toàn bộ số tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại trong nước do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều nay. Sau khi tổ chức, cá nhân là bên nhận chuyển nhượng vật chứng, tài sản chuyển tiền thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định hủy các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đã áp dụng. Cũng theo dự thảo, lợi tức trong việc xử lý vật chứng, tài sản theo Nghị quyết này (nếu có) được dùng để bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án, phần còn lại được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự. Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành quy định của dự thảo và cho rằng, trong quá trình tố tụng nếu cho phép thực hiện sớm việc mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản đã kê biên, phong tỏa qua hình thức bán đấu giá sẽ tạo khả năng thu hồi các khoản bồi thường thiệt hại cao hơn, bảo đảm quyền lợi cho cả bị hại và người bị buộc tội. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng cần xác định rõ hơn tiêu chí và điều kiện để áp dụng biện pháp cho nộp tiền lấy lại tài sản (khoản 2 Điều 3) hoặc cho mua bán, chuyển nhượng tài sản (khoản 3 Điều 3) để thống nhất trong thực tiễn áp dụng. Dự thảo quy định, trường hợp phát sinh tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng, tài sản đã áp dụng biện pháp xử lý được giải quyết theo quy định pháp luật tố tụng dân sự. Nghị quyết được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật. Đồng thời bảo đảm “kiểm soát quyền lực” của các cơ quan tiến hành tố tụng, sự giám sát của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm hành vi vi phạm, lạm dụng, tham nhũng, tiểu cực xảy ra trong việc áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản… Rate this post Continue reading...