Bắc Kinh ngày 23/7 đe dọa “các phản ứng cần thiết”, nhưng không nói sẽ đóng cửa lãnh sự quán nào của Mỹ, sau khi Washington yêu cầu đóng Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston. Mỹ và Trung Quốc đang chơi ván cờ ngoại giao, cân nhắc thiệt hơn của các nước đi tiếp. Trung Quốc được cho là đang cân nhắc đóng cửa một lãnh sự quán của Mỹ để trả đũa, trong khi Tổng thống Trump nói việc đóng cửa thêm văn phòng đại diện của Bắc Kinh “luôn là khả năng”. Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập của Global Times, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho biết trên Twitter: “Từ những gì tôi biết, Trung Quốc sẽ công bố các biện pháp đáp trả vào ngày 24/7 giờ Bắc Kinh. Một lãnh sự quán ở Trung Quốc sẽ bị yêu cầu đóng cửa”. Ngoài Houston, Trung Quốc có các lãnh sự quán ở San Francisco, Los Angeles, Chicago, New York, và đại sứ quán ở Washington, theo Nikkei Asian Review. Ở Trung Quốc, Mỹ có đại sứ quán ở Bắc Kinh và có các lãnh sự quán ở Thành Đô, Vũ Hán, Thượng Hải, Quảng Châu, Thẩm Dương, và một lãnh sự quán phụ trách các đặc khu Hong Kong và Macao. “Việc đóng cửa Tổng lãnh sự quán ở Houston là chưa từng có”, Yun Sun, nhà nghiên cứu tại viện chính sách Trung tâm Stimson, trụ sở ở Washington, nói với Nikkei Asian Review. “Nhưng nhiều diễn biến gần đây cũng là chưa từng tiền lệ”. Tờ South China Morning Post ngày 23/7 đưa tin Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ đóng cửa lãnh sự quán của Mỹ ở Thành Đô. Lãnh sự quán này từng được chú ý trong vụ bê bối khiến chính khách đầy quyền lực Bạc Hy Lai “ngã ngựa” - một cấp phó của ông Bạc Hy Lai từng xin tị nạn trong lãnh sự quán này. Lãnh sự quán ở Thành Đô cũng là nơi mà Mỹ theo dõi tình hình nhạy cảm ở Tây Tạng. Trong khi đó, ở Mỹ, giới phân tích chỉ ra rằng Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco là trung tâm tình báo quan trọng hơn Houston, và có thể là đích ngắm tiếp theo của chính quyền Trump. Tổng lãnh sự quán ở San Francisco đang được chú ý sau khi một nhà khoa học Trung Quốc được cho là đang trốn tại đây. Tang Juan vào Mỹ tháng 12/2019 để nghiên cứu tại Đại học California - Davis, và bị cáo buộc gian lận visa khi che giấu việc tham gia quân đội Trung Quốc, theo cáo trạng nộp lên tòa án liên bang ngày 26/6. Bà Tang khai trong đơn xin visa là chưa từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc, và cũng phủ nhận khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thẩm vấn. Nhưng một số hình ảnh trên Internet cho thấy bà Tang có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Bà Tang nói không biết ý nghĩa của những chữ trên một bộ đồng phục mà bà mặc, trong một bức ảnh của bà tìm được trên Internet. Sau đó, bà Tang trốn vào Tổng lãnh sự quán ở San Francisco, theo các công tố viên. “FBI đánh giá rằng, ở một thời điểm nào đó sau khi thẩm vấn bà Tang ngày 20/6, bà Tang đến lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco, và FBI xác định bà vẫn ở đó”, theo hồ sơ nộp lên tòa. “Như vụ việc bà Tang đã cho thấy, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco có thể là nơi ẩn náu cho quan chức quân đội Trung Quốc muốn tránh bị Mỹ truy tố”, hồ sơ viết thêm.sửa máy in tận nơi quận 12 Một tài liệu khác cũng cho thấy giới chức Mỹ đang phát hiện một số vụ gian lận visa tương tự. Họ lấy được một bức thư từ một người trong lãnh sự quán Trung Quốc ở New York “giải thích rằng cô ta đang xin chấp thuận từ Không quân Trung Quốc và Bệnh viện Quân Y số 4 để ở lại Mỹ, và bệnh viện Xi Diaoyutai ở Bắc Kinh (tức cơ quan của cô) chỉ là cơ quan giả, để che mắt”. Trong khi đó, hai bên tiếp tục những lời lẽ quyết liệt. Ngoại trưởng Pompeo khi phát biểu ở California nói Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là “đầu não gián điệp và đánh cắp tài sản trí tuệ”. Trung Quốc thì chỉ trích Mỹ đang “vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế” và “đang bôi nhọ” nước này.