Bọc sứ răng cửa là giải pháp tối ưu trong trường hợp răng cửa bị sâu nặng, mòn men và nứt mẻ. Ngoài ra, phương pháp này còn có thể cải thiện các khuyết điểm khác như răng hô vẩu, mọc lệch lạc và chen chúc nhẹ. Có nên bọc sứ răng cửa không? Khi nào nên thực hiện? Răng cửa là răng nằm chính giữa cung hàm với mặt ngoài phẳng, rộng, rìa cắn nhỏ, mảnh và thường chỉ có 1 chân răng. Mỗi hàm bao gồm 4 răng cửa (2 răng cửa giữa và 2 răng cửa bên). Tương tự như các răng khác trên cung hàm, răng cửa có chức năng thẩm mỹ, cắn thức ăn và hỗ trợ phát âm. Vì nằm chính giữa cung hàm nên răng cửa có vai trò quan trọng trong chức năng thẩm mỹ. Trường hợp răng cửa bị hô vẩu, mọc lệch, sâu răng, nứt mẻ,… không chỉ ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai mà còn tác động đến ngoại hình và thẩm mỹ. Chính vì vậy, bạn nên cân nhắc bọc sứ răng cửa để khôi phục hình dáng, màu sắc và chức năng của răng. Bọc răng sứ là kỹ thuật phục hình sử dụng mão sứ chụp lên thân răng thật đã được mài nhỏ từ trước. Mão sứ bao bọc phần cùi răng bên trong nên có thể bảo vệ răng khỏi tác động từ áp lực khi ăn nhai, vi khuẩn có hại trong khoang miệng và axit từ các loại thực phẩm, đồ uống. Ngoài ra với những trường hợp răng cửa mọc chìa ra bên ngoài, hở kẽ, bác sĩ sẽ điều chỉnh mão sứ để đảm bảo sau khi phục hình, răng cửa sẽ có hình dáng và màu sắc cân đối, hài hòa. Hơn nữa, bọc răng sứ hầu như không xâm lấn vào nướu, xương hàm nên có thể áp dụng cho nhiều trường hợp khác nhau. Dưới đây là các trường hợp nên bọc sứ cho răng cửa: 1. Răng cửa bị nứt, mẻ Răng cửa nằm ở giữa cung hàm nên dễ va chạm và chấn thương. So với răng hàm, răng cửa chỉ có 1 chân răng và tương đối mỏng nên dễ bị nứt, mẻ và thậm chí là gãy phần thân răng ở phía trên. Răng cửa bị vỡ, nứt mẻ ảnh hưởng nhiều đến ngoại hình và tạo tâm lý thiếu tự tin khi giao tiếp. Ngoài ra, vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập vào bên trong ngà răng và tủy răng thông qua vết nứt dẫn đến viêm tủy răng, áp xe chân răng và nhiều vấn đề nha khoa khác. Ngay khi nhận thấy răng cửa bị nứt, mẻ, bạn nên đến phòng khám nha khoa để được tư vấn hướng khắc phục. Với những trường hợp răng mẻ và nứt nhẹ, có thể trám răng composite để cải thiện. Tuy nhiên, cần phải bọc răng sứ nếu răng bị mẻ, vỡ lớn và gãy răng dẫn đến lộ tủy răng. 2. Bọc sứ chỉnh răng cửa hô nhẹ Răng cửa dễ gặp phải tình trạng hô (vẩu) nhẹ do thói quen đẩy lưỡi và mút tay trong thời gian thay răng. Răng cửa hô (vẩu) nhẹ có thể khiến nụ cười trở nên kém duyên và gây khó khăn khi cắn, nhai thức ăn. Thông thường, răng hô, móm sẽ được cải thiện bằng niềng răng – chỉnh nha. Tuy nhiên với những trường hợp chỉ hô răng cửa và mức độ hô nhẹ, bạn có thể bọc sứ răng cửa. Bọc sứ có thể thực hiện cho 2 hoặc 4 răng tùy theo tình trạng cụ thể. So với niềng răng, bọc sứ răng cửa để chỉnh hô có chi phí thấp hơn và thời gian thực hiện nhanh chóng. Xem thêm: nha khoa smile one có tốt không 3. Răng cửa bị thưa kẽ Bọc sứ răng cửa cũng được thực hiện trong trường hợp răng cửa bị thưa kẽ. Kẽ răng thưa không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gia tăng nguy cơ sâu kẽ răng, viêm nướu răng và nhiều vấn đề nha khoa khác. Trong trường hợp răng cửa thưa kẽ, có 2 phương pháp có thể áp dụng là bọc sứ và trám răng composite. Trong đó, trám răng composite chỉ được thực hiện khi răng cửa thưa nhẹ (dưới 2mm). Những trường hợp răng có kẽ hở lớn nên bọc răng sứ để cải thiện khuyết điểm một cách triệt để. Hơn nữa so với miếng trám, mão răng sứ có độ bền và khả năng chịu lực tốt hơn. 4. Răng cửa mọc lệch nhẹ Trường hợp răng cửa mọc lệch nhẹ cũng có thể bọc răng sứ để cải thiện thay vì phải niềng răng – chỉnh nha toàn bộ răng trên cung hàm. Với răng mọc lệch, bác sĩ sẽ mài bớt phần men răng để tránh tình trạng răng chìa ra ngoài quá mức. Sau đó, chế tác mão sứ với hình dáng chuẩn để sau khi phục hình, răng cửa được điều chỉnh về đúng vị trí, không bị lệch lạc và chen chúc với răng lân cận. Tùy theo số lượng răng cửa mọc lệch, bác sĩ có thể chỉ định bọc răng sứ 1 – 4 răng. Trường hợp chỉ bọc sứ răng cửa cần phải lựa chọn mão sứ tone màu phù hợp với răng thật để đảm bảo sự hài hòa, tránh tình trạng răng sứ bị “lộ” khi giao tiếp. 5. Răng cửa bị sâu Sâu răng là bệnh nha khoa phổ biến ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh lý này xảy ra do quá trình hủy khoáng diễn ra nhanh hơn tốc độ tái khoáng. Hậu quả là khiến bề mặt răng xuất hiện các lỗ sâu có kích thước lớn dần theo thời gian. 6. Bọc răng cửa bị mòn men Răng cửa thường được dùng để cắn thức ăn nên dễ gặp phải tình trạng mòn men, nhất là khi có thói quen dùng đồ uống, thực phẩm chứa nhiều axit, cứng, dai và khô. Men răng có vai trò ngăn cách ngà răng với nhiệt độ từ thức ăn nên khi lớp men bị mài mòn, răng trở nên nhạy cảm và dễ buốt trong quá trình ăn uống. Những trường hợp mòn men thân răng và rìa cắn nên bọc răng sứ để cải thiện thay vì hàn trám. Mão sứ bao bọc bên ngoài sẽ giảm hiện tượng nhạy cảm của ngà răng. Nhờ vậy, răng có thể ăn nhai thoải mái mà không gặp phải tình trạng đau nhức hay khó chịu. 7. Răng cửa lớn Một số người gặp phải khuyết điểm răng cửa có kích thước lớn hơn so với các răng khác trên cung hàm. Mặc dù không ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai nhưng tình trạng này tác động không nhỏ đến thẩm mỹ và ngoại hình. Trong trường hợp này, bọc răng sứ được xem là giải pháp tối ưu. Với răng cửa lớn, bác sĩ sẽ mài nhỏ 2 răng cửa giữa và 2 răng cửa bên. Sau đó, chế tác 4 mão sứ với kích thước cân đối để giảm kích thước của răng cửa giữa. Nhờ vậy, toàn bộ răng cửa sẽ có kích thước vừa phải, cân đối và hài hòa với cung hàm. Bọc sứ răng cửa có nguy hiểm không? Mất bao lâu? Bọc sứ răng cửa có nguy hiểm không là vấn đề mà nhiều bạn đọc lo ngại. Được biết, bọc răng sứ là phương pháp khá an toàn. Phương pháp này chỉ mài nhỏ một lớp men răng ngoài cùng, hoàn toàn không xâm lấn vào cấu trúc xương hàm hay mô nướu. Do đó, đa phần đều có thể ăn uống và sinh hoạt như bình thường ngay sau khi làm răng. Tuy nhiên, bọc sứ răng cửa cũng có thể gây ra một số ảnh hưởng như hôi miệng, viêm nướu răng, răng đau nhức, ê buốt kéo dài và hở cổ chân răng. Ngoài ra, một số trường hợp còn bị hở, chênh và cộm mão sứ do bác sĩ phục hình không đúng kỹ thuật. Hầu hết những trường hợp gặp phải biến chứng khi bọc sứ răng cửa đều do thực hiện ở những phòng khám kém chất lượng và chăm sóc không đúng cách. Để hạn chế biến chứng và rủi ro khi thực hiện phương pháp này, bạn nên lựa chọn địa chỉ uy tín và tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ sau khi bọc sứ. Như đã đề cập, bọc răng sứ là phương pháp có mức độ xâm lấn thấp và hầu như chỉ can thiệp vào lớp men ngoài cùng của răng. Do đó, phương pháp này có thời gian thực hiện khá nhanh chóng. Đối với trường hợp bọc sứ răng cửa, kỹ thuật này có thể hoàn thiện sau 2 – 3 buổi hẹn, mỗi buổi kéo dài từ 1 – 3 giờ đồng hồ. Bọc răng cửa có giá bao nhiêu? Chi phí bọc 1 – 4 răng cửa Bọc răng cửa có chi phí dao động từ 1 – 8 triệu đồng/ răng tùy theo chất liệu, trong đó răng sứ kim loại sẽ có giá thấp hơn so với các loại răng toàn sứ cao cấp. Để tính tổng chi phí, bạn cần nhân với số lượng răng cửa cần phục hình. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định bọc sứ 1 – 2 răng cửa. Tuy nhiên nếu kích thước răng quá lớn, bác sĩ buộc phải can thiệp đến toàn bộ 4 răng để tạo sự cân đối và hài hòa. Bọc sứ răng cửa là phương pháp phục hình răng có nhiều ưu điểm. Vì vậy, bạn đọc có thể thực hiện phương pháp này trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để cân nhắc giữa bọc răng sứ với hàn trám và niềng răng tùy theo khuyết điểm của răng.