Khu công nghiệp thông minh là một khu công nghiệp được xây dựng với các tiện ích công nghệ sản xuất vượt trội nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ. Khu công nghiệp thông minh có thể hiểu đơn giản là một chuỗi các nhà xưởng thông minh sử dụng các công nghệ tiên tiến và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khả năng lớn nhất mà mô hình khu công nghiệp (KCN) này mang lại chính là khả năng hiển thị và kết nối. Nơi đây, quy trình làm việc được tự động hóa, phần lớn máy móc sẽ tự thực hiện các công việc đơn giản mà không cần đến sự tham gia của con người. Khu công nghiệp thông minh giúp các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ tự động hóa để nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh. 1. 2 Thực trạng khu công nghiệp thông minh hiện nay Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 10/2023, Việt Nam có 413 khu công nghiệp (bao gồm 369 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế; 37 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển; 07 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu). 5 tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động nhất là Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM, Long An và Bắc Ninh hiện nay đang đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư từ nước ngoài, hướng đến khu công nghiệp thông minh với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến. Trong một sự kiện hội thảo về KCN thông minh do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra nhận định về xu hướng mới này: “Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và đang tạo ra cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất. Xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong các công nghệ và quy trình sản xuất ngày càng được đẩy mạnh. Do đó, khu công nghiệp (KCN) thông minh ra đời là tất yếu và trở thành sự lựa chọn tối ưu cho doanh nghiệp”. Nhiều ứng dụng phát triển khu chế xuất - khu công nghiệp được nghiên cứu và đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận. Một doanh nghiệp dẫn đầu CNTT để hướng đến KCN thông minh tại TP. Hồ Chí Minh đã làm giảm tối đa thời gian cung cấp thông tin cho khách hàng từ hai ngày (tương đương 2.880 phút) xuống còn đúng hai phút. Giảm chi phí chuyển thông tin cho khách hàng từ 15.000 đồng xuống còn 3.000 đồng/khách hàng. Việc ứng dụng công nghệ đã tiết kiệm 35% điện năng tiêu thụ, quản lý thời gian thực trạng thái đèn, điều khiển chiếu sáng theo lập lịch và tự động và cảnh báo ngay tức thời khi có sự cố... Với trên 30 cụm và khu công nghiệp đang hoạt động, Bình Dương có những định hướng chuyển đổi dần các khu công nghiệp truyền thống sang thông minh để tạo lợi thế cạnh tranh. VNTT - Becamex đã hoàn thiện giải pháp khu công nghiệp thông minh với hệ thống nhà xưởng, tòa nhà điều hành, trung tâm vận hành, an ninh, bãi xe thông minh. Có thể thấy các doanh nghiệp trong những năm gần đây đã không ngừng nỗ lực và định hướng cơ cấu hướng đến Khu công nghiệp thông minh.