1.Khái niệm, đặc điểm của doanh nghiệp Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh Doanh nghiệp được phân biệt với các tổ chức khác bởi các đặc trưng pháp lý sau: Thứ nhất, doanh nghiệp phải có tên riêng. Thứ hai, doanh nghịêp phải có tài sản. Mục đích chủ yếu và trước tiên của doanh nghiệp là hoạt động kinh doanh với những đặc trưng là đầu tư tài sản và thu lợi về tài sản. Vì vậy, điều kiện tiên quyết và cũng là nét đặc trưng của doanh nghiệp là phải có một mức độ tài sản nhất định. Tài sản là điều kiện hoạt động và cũng là mục đích hoạt động của doanh nghiệp. Tài sản của doanh nghiệp bao gồm cả tài sản hữu hình và tài sản vô hình, điều này chi phối đến việc định giá doanh nghiệp cũng như thẩm định giá doanh nghiệp. Thứ ba, doanh nghiệp phải có trụ sở giao dịch ổn định Thứ tư, doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Thứ năm, mục tiêu thành lập doanh nghiệp là để trực tiếp và chủ yếu thực hiện các hoạt động kinh doanh. Dưới góc độ là đối tượng của hoạt động định giá, thẩm định giá thì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể là đối tượng phải hoặc được định giá, thẩm định giá theo yêu cầu quản lý của Nhà nước, của chủ doanh nghiệp hoặc theo yêu cầu của chính doanh nghiệp, của các chủ thể liên quan. Các doanh nghiệp phải hoặc được định giá, thẩm định giá trong các trường hợp sau: Xác định giá trị doanh nghiệp, tài sản của doanh nghiệp để làm căn cứ tính thuế; Xác định giá trị doanh nghiệp, tài sản của doanh nghiệp khi thiết lập các quan hệ hợp đồng (hợp đồng mua, bán; hợp đồng bảo lãnh; hợp đồng thuê, cho thuê;…); Xác định giá trị doanh nghiệp, tài sản của doanh nghiệp nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khi tham gia các quan hệ kinh tế, dân sự, thương mại (cầm cố tài sản, thế chấp tài sản,…); Xác định giá trị doanh nghiệp, tài sản của doanh nghiệp khi tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi), giải thể doanh nghiệp hoặc khi doanh nghiệp phá sản; Xác định giá trị doanh nghiệp, tài sản của doanh nghiệp theo yêu cầu của chủ sở hữu doanh nghiệp;… Dưới góc độ là chủ thể thực hiện các hoạt động định giá, thẩm định giá thì doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ định giá, thẩm định giá được tổ chức, hoạt động theo quy định đối với doanh nghiệp nói chung. Song doanh nghiệp thực hiện hoạt động định giá, thẩm định giá là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có tính đặc thù, do vậy phải có những quy định đặc thù cho loại doanh nghiệp này. 2. Phân loại doanh nghiệp Căn cứ vào phạm vi trách nhiệm tài sản trong kinh doanh Căn cứ vào phạm vi trách nhiệm tài sản trong kinh doanh, doanh nghiệp được chia thành 2 loại: Doanh nghiệp gắn với chế độ trách nhiệm hữu hạn về tài sản và doanh nghiệp gắn với chế độ trách nhiệm vô hạn về tài sản. Doanh nghiệp gắn với chế độ trách nhiệm hữu hạn về tài sản là doanh nghiệp trong đó: Có sự tách bạch (độc lập) giữa tài sản của doanh nghiệp với các tài sản khác của chủ doanh nghiệp/đồng chủ sở hữu doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp/đồng chủ sở hữu doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của doanh nghiệp (chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động của doanh nghiệp) bằng tài sản mà chủ doanh nghiệp/đồng chủ sở hữu doanh nghiệp đã góp hoặc cam kết góp vào doanh nghiệp. Theo pháp luật Việt Nam, chủ sở hữu/đồng chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty nhà nước và thành viên góp vốn trong công ty hợp danh chịu trách nhiệm hữu hạn về tài sản trong kinh doanh. Doanh nghiệp gắn với chế độ trách nhiệm vô hạn về tài sản là doanh nghiệp trong đó: Không có sự tách bạch (độc lập) giữa tài sản của doanh nghiệp với tài sản khác của chủ sở hữu doanh nghiệp. Chủ sở hữu doanh nghiệp chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của doanh nghiệp (chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động của doanh nghiệp) bằng toàn bộ tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp. Theo đó, chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh trong công ty hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản trong kinh doanh 3. Phân loại doanh nghiệp Căn cứ theo quy định của pháp luật Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp ở Việt Nam bao gồm: công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty cổ phần, công ty hợp danh, công ty nhà nước (trong thời gian chưa chuyển đổi), doanh nghiệp tư nhân. 4. Những vấn đề chung về tài chính doanh nghiệp Tài chính doanh nghiệp có thể hiểu là hệ thống các quan hệ kinh tế trong phân phối các nguồn tài chính gắn liền với quá trình tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp nhằm đạt tới mục tiêu nhất định. Nội dung hoạt động tài chính của các loại doanh nghịêp khác nhau đều có những đặc trưng khác nhau. Song, doanh nghiệp dù được tổ chức, hoạt động dưới hình thức nào thì cũng có những điểm chung giống nhau, do vậy tài chính doanh nghiệp và hoạt động tài chính doanh nghiệp đều có những điểm chung, đó là: Vốn kinh doanh: Vốn kinh doanh của doanh nghiệp là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ tài sản hữu hình và tài sản vô hình được đầu tư vào kinh doanh nhằm mục đích sinh lời. Nguồn vốn kinh doanh: – Vốn chủ sở hữu; – Nguồn vốn vay; – Các nguồn vốn khác Đầu tư vốn kinh doanh: Căn cứ vào phạm vi đầu tư, đầu tư của doanh nghiệp được chia thành đầu tư bên trong và đầu tư bên ngoài doanh nghiệp. Đầu tư bên trong doanh nghiệp được chia thành: đầu tư xây dựng cơ bản và đầu tư vốn lưu động. Đầu tư xây dựng cơ bản là đầu tư nhằm tạo ra tài sản cố định của doanh nghiệp. Theo tính chất công việc, đầu tư xây dựng cơ bản bao gồm: đầu tư cho xây và lắp, đầu tư mua máy móc thiết bị và đầu tư xây dựng cơ bản khác. Theo hình thái vật chất của kết quả đầu tư, đầu tư xây dựng cơ bản bao gồm: đầu tư tài sản hữu hình và đầu tư tài sản vô hình (phát minh, sáng chế, bản quyền, nhãn hiệu hàng hoá, quy trình công nghệ,…). Đầu tư vốn lưu động là khoản đầu tư để hình thành tài sản lưu động. Đầu tư ra bên ngoài doanh nghiệp là hình thức góp vốn liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác, mua cổ phiếu, trái phiếu,… 5. Quản lý tài chính doanh nghiệp: Với tư cách tổ chức quyền lực chính trị công đặc biệt. Nhà nước quản lý tài chính của các doanh nghiệp thông qua các quy phạm pháp luật, bảo đảm các doanh nghiệp kinh doanh trong môi trường pháp lý bình đẳng, có quyền tự chủ, tự chụi trách nhiệm trong kinh doanh, có nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sánh nhà nước, thực hiện nghiêm luật kế toán. Với tư cách là chủ sở hữu hoặc người có quyền sử dụng đối với các nguồn tài chính, các doanh nghiệp quản lý tài chính doanh nghiệp thông qua việc thực hiện các quyền năng của của chủ sở hữu hoặc thực hiện các quyền tài sản của mình theo quy định của pháp luật và theo điều lệ của doanh nghiệp. Khi định giá, thẩm định giá doanh nghiệp cần phải hiểu rõ những vấn đề cơ bản về tài chính doanh nghiệp. Rate this post Continue reading...