Sử dụng thuốc có thể cải thiện các triệu chứng và ức chế vi khuẩn gây bệnh viêm nha chu. Tham khảo ngay bài viết để hiểu rõ hơn về vấn đề “Bị viêm nha chu nên uống thuốc gì nhanh khỏi?” và nắm bắt rõ những vấn đề cần lưu ý khi dùng. Bị viêm nha chu nên dùng thuốc gì để nhanh khỏi? Viêm nha chu thực chất là giai đoạn nặng của bệnh viêm nướu răng do không được thăm khám và điều trị kịp thời. Bệnh lý này ra khi vi khuẩn gây viêm nhiễm toàn bộ tổ chức nâng đỡ răng bao gồm mô nướu, dây chằng nha chu, cement, xương ổ răng. Nếu không điều trị sớm, toàn bộ các cơ quan bao xung quanh răng có thể bị phá hủy dẫn đến mất răng vĩnh viễn và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như tim mạch, tiểu đường, viêm phổi,… So với các bệnh nha khoa thường gặp, viêm nha chu có mức độ nặng hơn và dễ phát sinh biến chứng nếu chậm trễ trong việc phát hiện, chữa trị. Có khá nhiều phương pháp điều trị viêm nha chu như cạo vôi răng, xử lý mặt gốc răng, nạo túi nha chu, ghép lợi, phẫu thuật tái tạo,… và sử dụng thuốc. Thuốc thường được dùng trong giai đoạn cấp khi vi khuẩn phát triển mạnh gây sốt, mô nướu phù nề, chảy máu và đau nhức nhiều. Dưới đây là các loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh viêm nha chu: 1. Thuốc giảm đau thông thường (Paracetamol) Paracetamol là loại thuốc giảm đau không kê toa được sử dụng trong nhiều trường hợp. Loại thuốc này được đánh giá tương đối an toàn ở liều điều trị nên được dùng phổ biến trong điều trị viêm nha chu. Paracetamol có tác dụng chính là hạ sốt và giảm cơn đau có mức độ từ nhẹ đến trung bình. Thuốc giảm đau Paracetamol được sử dụng để cải thiện tình trạng răng đau nhức, khó chịu và sốt nhẹ đến sốt cao do viêm nha chu gây ra. Ngoài ra, loại thuốc này cũng được dùng để giảm đau khi mọc răng khôn, viêm tủy răng, áp xe răng, sâu răng tiến triển,… Thuốc thường được dùng trong khoảng 3 – 7 ngày tùy theo trường hợp cụ thể. Thuốc Paracetamol khá an toàn khi sử dụng ở liều điều trị trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, bạn cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ có mức độ nhẹ khi dùng loại thuốc này bao gồm buồn nôn, nôn mửa, khó chịu ở dạ dày,… Paracetamol là loại thuốc chuyển hóa và gây độc lên gan. Vì vậy khi sử dụng thuốc, cần tránh dùng đồng thời với rượu bia, thuốc chống đông máu, thuốc chống co giật,… để giảm thiểu nguy cơ tương tác. Xem thêm: bọc răng sứ venus giá bao nhiêu 2. Kháng sinh – Thuốc điều trị viêm nha chu trong giai đoạn cấp Kháng sinh là nhóm thuốc chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn răng miệng. Nhóm thuốc này có hiệu quả tiêu diệt, ức chế vi khuẩn gây viêm nha chu. Tuy nhiên, các chủng vi khuẩn gây bệnh lý này đều là vi khuẩn thường trú trong khoang miệng nên không thể loại bỏ hoàn toàn. Vì vậy, kháng sinh thường chỉ được dùng trong giai đoạn cấp khi vi khuẩn phát triển mạnh khiến nướu sưng đỏ, phù nề, đau nhức, sốt, sưng hạch góc hàm,… Kháng sinh là nhóm thuốc có nguy cơ dị ứng cao. Do đó, bạn nên thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng, mẫn cảm với các loại kháng sinh (nếu có) để được xem xét về nguy cơ dị ứng chéo giữa các loại kháng sinh cùng nhóm. Kháng sinh thường được dùng trong khoảng 5 – 7 ngày kèm theo các loại thuốc điều trị triệu chứng. Nhóm thuốc này có thể gây tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi,… trong thời gian sử dụng. 3. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) Trong trường hợp mô nướu phù nề và sưng viêm nhiều, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) kết hợp hoặc thay thế cho Paracetamol. Nhóm thuốc này có hiệu quả giảm đau, chống viêm và hạ sốt (không đặc hiệu). Thuốc hoạt động bằng cách ức chế COX-1 và 2 nhằm giảm sinh tổng hợp chất trung gian gây viêm prostaglandin. Tuy nhiên, nhóm thuốc này gây ức chế tổng hợp prostaglandin toàn thân nên có nguy cơ xuất huyết tiêu hóa, loét dạ dày tá tràng,… Vì vậy, người có tiền sử chảy máu đường tiêu hóa hoặc đang bị loét dạ dày tiến triển không nên sử dụng thuốc chống viêm không steroid. Ngoài ra, NSAID còn có tác dụng chống tập kết tiểu cầu dẫn đến kéo dài thời gian đông máu. Để giảm thiểu rủi ro khi sử dụng, người bị rối loạn đông máu, đang sử dụng thuốc chống đông và mắc các vấn đề tim mạch không nên dùng nhóm thuốc này. Để giảm thiểu tác dụng phụ của thuốc, nên ăn no trước khi uống. Ngoài ra, nên tránh sử dụng rượu bia và các loại thức uống, đồ ăn chứa nhiều axit trong thời gian dùng thuốc. 4. Thuốc chống viêm chứa steroid (corticosteroid) Trong trường hợp viêm nha chu gây phù nề mô nướu nặng, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc chống viêm chứa steroid (corticosteroid) để cải thiện. Thuốc có tác dụng tương tự hormone cortisol được tuyến thượng thận sản xuất. Với tác dụng chống viêm mạnh, corticosteroid giúp giảm nhanh tình trạng phù nề, sưng đỏ và đau nhức do viêm nha chu gây ra. Mặc dù có hiệu quả cao nhưng nhóm thuốc này tiềm ẩn nhiều rủi ro và tác dụng phụ. Do đó, corticosteroid thường được dùng trong thời gian ngắn với liều thấp để giảm nguy cơ gặp phải tác dụng ngoại ý. 5. Các dung dịch súc miệng sát khuẩn Ngoài các loại thuốc uống, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thêm các dung dịch súc miệng sát khuẩn để loại bỏ vi khuẩn và giảm sự hình thành mảng bám. Các loại thuốc này có thể cải thiện phần nào mức độ viêm, phù nề ở mô nướu và kiểm soát tiến triển của bệnh viêm nha chu. Ngoài hiệu quả kiểm soát viêm nha chu, các dung dịch súc miệng sát khuẩn còn được dùng trong nhiều trường hợp như áp xe răng, viêm tủy răng, sâu răng tiến triển, viêm họng, viêm amidan,… Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng các sản phẩm này để phòng ngừa các bệnh nha khoa và viêm nhiễm đường hô hấp khi thời tiết thay đổi. Lưu ý khi dùng thuốc trị viêm nha chu Sử dụng thuốc là một trong những phương pháp điều trị viêm nha chu. Thuốc có thể kiểm soát các triệu chứng đau nhức, sưng viêm, phù nề mô nướu và ức chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn gây nhiễm trùng tổ chức nâng đỡ răng. Tuy nhiên trước khi sử dụng thuốc điều trị viêm nha chu, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau: Chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ – đặc biệt là các loại thuốc uống. Tự ý dùng thuốc có thể che lấp các triệu chứng dẫn đến khó khăn trong việc phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Hầu hết các loại thuốc đều có gây ra tác dụng phụ khi sử dụng. Để giảm thiểu rủi ro, bạn nên thông báo với bác sĩ tiền sử dị ứng thuốc (nếu có), tình trạng sức khỏe và một số vấn đề đặc biệt (đang mang thai, đang sử dụng thuốc, mới/ sắp phẫu thuật,…) Thuốc điều trị viêm nha chu chỉ được dùng trong một thời gian ngắn để kiểm soát nhanh các triệu chứng của bệnh. Sau đó, bạn cần phải can thiệp các phương pháp chuyên sâu như cạo vôi răng, xử lý mặt gốc răng, nạo túi nha chu, ghép nướu,… Bởi dùng thuốc không thể điều trị dứt điểm bệnh lý này. Ngoài ra, cần chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách để kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng, ngăn không cho viêm nha chu tiến triển nặng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Để quá trình điều trị đạt được kết quả tốt, nên thay đổi một số thói quen xấu như hút thuốc lá, sử dụng tăm xỉa răng, thở bằng miệng, dùng thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh,… Bài viết đã tổng hợp thông tin giải đáp “Bị viêm nha chu nên uống thuốc gì nhanh khỏi?”, đồng thời đề cập đến những vấn đề quan trọng khi sử dụng. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, cần can thiệp các phương pháp điều trị chuyên sâu và vệ sinh răng miệng đúng cách để kiểm soát bệnh triệt để.