Sâu răng để lâu năm có thể tiến triển nặng dẫn đến nhiều biến chứng, hệ lụy nghiêm trọng như chết tủy, vỡ răng, mất răng,… Ngoài những ảnh hưởng đối với sức khỏe răng miệng, bệnh lý này kéo dài còn gây ra các biến chứng thai kỳ và tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Sâu răng để lâu năm có nguy hiểm không? Sâu răng là một trong những bệnh lý nha khoa thường gặp. Bệnh lý này có thể xảy ra ở cả hệ răng sữa và răng vĩnh viễn. Sâu răng thực chất là tình trạng răng mất các mô cứng do quá trình hủy khoáng gây ra bởi vi khuẩn Streptococcus mutans và một số hại khuẩn thường trú trong khoang miệng. Sâu răng tiến triển qua hai giai đoạn là sâu men (sâu men răng – lớp ngoài cùng của răng) và sâu ngà (xảy ra khi vi khuẩn đã tấn công vào ngà răng). Các triệu chứng cơ năng của bệnh lý này chỉ xảy ra ở giai đoạn sâu ngà. Trong giai đoạn đầu, bệnh hầu như không gây đau nhức hay ê buốt mà chỉ biểu hiện qua các đốm đen nhỏ trên bề mặt, kẽ và mặt nhai. Quá trình hủy khoáng do vi khuẩn gây ra không thể hoàn nguyên. Chính vì vậy, sâu răng cần được điều trị sớm để tránh gây hư hại răng và tác động xấu đến sức khỏe răng miệng. Sâu răng để lâu năm có thể gây ra hàng loạt những ảnh hưởng và hệ lụy nghiêm trọng như: 1. Sâu răng tiến triển gây viêm tủy răng Răng được cấu tạo từ 3 bộ phận chính là men răng, ngà răng và tủy răng. Khi sâu răng tiến triển vào ngà răng không được điều trị, vi khuẩn có thể xâm nhập gây viêm nhiễm khoang tủy. Viêm tủy răng phát triển qua nhiều giai đoạn như cấp tính, mãn tính và hoại tử tủy (chết tủy). 2. Hôi miệng dai dẳng Vi khuẩn gây sâu răng không chỉ phá hủy mô cứng của men răng, ngà răng mà còn tạo ra mùi hôi khó chịu trong khoang miệng. Sâu răng để lâu năm chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hôi miệng dai dẳng. Dù không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng tình trạng hơi thở có mùi tác động không nhỏ đến hoạt động giao tiếp, công việc. 3. Viêm tủy triển dưỡng (polyp tủy) Viêm tủy triển dưỡng là tình trạng mô tủy tăng sản lành tính dẫn đến tình trạng xuất hiện khối mô mềm màu hồng giữa khoang tủy (thường xảy ra ở răng đã bị chết tủy). Polyp tủy phát triển nhanh đến khi đạt kích thước tối đa. Bệnh lý này thường không có triệu chứng mà chỉ có thể quan sát tổn thương thực thể bằng mắt. Tuy nhiên trong một số trường hợp, khối polyp tủy có thể bị chảy máu, đồng thời gây ra nhiều khó khăn trong quá trình ăn uống. Xem thêm: bọc răng sứ venus có tốt không 4. Vỡ răng Vỡ răng là một trong những biến chứng có thể gặp phải nếu sâu răng để lâu năm không điều trị. Theo thời gian, lỗ sâu ở men và ngà răng lớn dần. Nếu không trám bít kịp thời, răng có thể bị vỡ trong quá trình ăn uống. 5. Tăng nguy cơ mất răng Tất cả các bệnh nha khoa đều có thể làm tăng nguy cơ mất răng nếu không được thăm khám và điều trị sớm. Sâu răng để lâu năm có thể gây hư hại toàn bộ men răng, ngà răng khiến răng suy yếu dần theo thời gian. 6. Gây viêm xoang hàm Xoang hàm nằm gần với răng hàm trên. Nếu sâu răng để lâu năm, vi khuẩn có thể phát triển và lây lan đến cơ quan này. Viêm xoang hàm thường gây nghẹt mũi, nặng vùng mặt, nhức đầu, giảm khứu giác,… Dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng bệnh lý này ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. 7. Tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính Sâu răng lâu năm còn có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính như tiểu đường type 2 và các vấn đề về tim mạch. Đối với những người có sẵn các bệnh lý nội khoa, sâu răng kéo dài có thể khiến bệnh tiến triển nặng gây ra nhiều biến chứng, hệ lụy nghiêm trọng. Tiểu đường type 2: Vi khuẩn gây sâu răng có thể đi vào mạch máu, tuần hoàn đến tuyến tụy – cơ quan sản sinh insulin. Sau đó, vi khuẩn sẽ tấn công vào cơ quan này khiến tuyến tụy giảm sản xuất insulin để chuyển hóa đường. Ngoài ra, đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với hiện tượng viêm nhiễm cũng gây ra tình trạng kháng insulin. Những tác động này làm tăng nguy cơ tiểu đường type 2 ở người bị sâu răng lâu năm. Các bệnh lý tim mạch: Vi khuẩn có thể di chuyển đến tim mạch thông qua đường máu. Để bảo vệ cơ thể, các tế bào miễn dịch sẽ giải phóng các thành phần trung gian gây viêm. Hậu quả là hình thành các cục máu đông ở động mạch. Nghiên cứu cho thấy, người bị sâu răng lâu năm dễ bị cao huyết áp, rối loạn nhịp tim và gặp phải nhiều vấn đề tim mạch khác. 8. Tăng biến chứng thai kỳ (với phụ nữ mang thai) Nếu sâu răng xảy ra trong thời gian mang thai, mẹ bầu phải đối mặt với một số biến chứng như: Sinh non Trẻ sinh ra nhẹ cân Các bệnh nha khoa nói chung và sâu răng nói riêng đều có mối liên hệ mật thiết với các biến chứng thai kì. Bởi vi khuẩn gây sâu răng có thể đi theo đường máu di chuyển đến tử cung và phôi thai dẫn đến đáp ứng miễn dịch của bào thai. Các chất trung gian được phóng thích trong quá trình đáp ứng miễn dịch chính là yếu tố gây sinh non, cản trở sự phát triển thể chất và trí não của thai nhi. 9. Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sâu răng để lâu năm còn tác động đến chất lượng cuộc sống. Bệnh lý này gây đau nhức, ê buốt răng – nhất là khi ăn uống. Ngoài ra, cơn đau cũng có thể tự phát vào ban đêm ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ. Cách xử lý sâu răng lâu năm hiệu quả Có thể thấy, sâu răng lâu năm gây ra nhiều biến chứng và hệ lụy nghiêm trọng. Để hạn chế những ảnh hưởng của bệnh lý này, bạn nên thăm khám trong thời gian sớm nhất. Dựa vào kết quả chẩn đoán và mức độ tổn thương của răng, bác sĩ sẽ chỉ định các biện pháp điều trị sau: 1. Lấy tủy + trám bít hố rãnh Hầu hết các trường hợp sâu răng đã bị hư hại ngà răng và tủy răng. Để bảo tồn răng, bác sĩ sẽ chỉ định lấy phần tủy bị viêm nhiễm và hoại tử. Sau đó, sử dụng vật liệu nhân tạo để trám bít hố rãnh. Nếu không bị viêm nhiễm tủy, bác sĩ sẽ nạo bỏ phần ngà bị sâu, sát khuẩn và dùng vật liệu nhân tạo để trám bít lỗ sâu. 2. Nhổ răng Nhổ răng được xem xét khi sâu răng chỉ còn chân răng, răng bị hư hại nặng nề và hoàn toàn không có khả năng hồi phục. Nhổ răng giúp loại bỏ ổ viêm nhiễm và ngăn ngừa vi khuẩn lây lan, phá hủy các răng lân cận. Tuy nhiên, nhổ răng làm xuất hiện khoảng trống trên cung hàm dẫn đến mất thẩm mỹ, khó khăn khi ăn uống và có thể gây tiêu xương răng. Vì vậy sau khi răng bị nhổ bỏ, bác sĩ sẽ tư vấn thực hiện một số biện pháp phục hình để phục hồi hình dáng và chức năng của răng. 3. Các biện pháp phục hình Sau khi can thiệp các phương pháp điều trị, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định một số biện pháp phục hình. Các biện pháp này được thực hiện để phục hồi hình dáng, chức năng của răng, hạn chế nguy cơ tiêu xương hàm và kéo dài tuổi thọ của răng (với răng đã bị lấy tủy). Các biện pháp phục hình được áp dụng sau khi điều trị sâu răng lâu năm: Inlay/ Onlay: Inlay/ Onlay là phương pháp phục hình răng được ưa chuộng hiện nay. Phương pháp này chế tác miếng sứ có hình dáng tương thích với lỗ sâu của răng giúp cấu trúc răng trở nên chắc chắn hơn. Inlay/ Onlay được thực hiện khi lỗ sâu quá lớn không thể trám bít. Bọc răng sứ: Bọc răng sứ là phương pháp chế tác mão sứ có hình dáng và kích thước tương tự răng thật. Sau đó, tiến hành mài cùi răng thật và dùng mão sứ bọc lên phía trên. Phương pháp này được áp dụng khi răng bị hư hại nhiều, tủy răng đã bị hoại tử. Ngoài hiệu quả thẩm mỹ, mão sứ còn giúp bảo vệ răng thật và kéo dài tuổi thọ của răng. Cấy ghép Implant: Cấy ghép Implant là phương pháp phục hình được áp dụng trong trường hợp phải nhổ răng. Phương pháp này sử dụng trụ Implant để thay thế chân răng và tiến hành lắp mão sứ thông qua khớp nối. Răng Implant có hình dáng và chức năng tương tự răng thật. Ngoài ra, tác động từ trụ Implant còn giúp xương hàm tái tạo, hạn chế nguy cơ bị tiêu xương răng. 4. Biện pháp hỗ trợ Ngoài những biện pháp trên, bạn cũng nên áp dụng thêm một số biện pháp hỗ trợ như: Vệ sinh răng miệng đúng cách: Giữ vệ sinh răng miệng là biện pháp quan trọng khi điều trị sâu răng và các bệnh nha khoa thường gặp khác. Ngoài chải răng 2 lần/ ngày, cần dùng thêm nước súc miệng và dùng chỉ nha khoa để làm sạch khoang miệng hoàn toàn. Dùng thuốc: Bên cạnh các phương pháp y tế, bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm một số loại thuốc như dung dịch súc miệng sát khuẩn, thuốc gây tê dạng bôi, thuốc kháng sinh dạng bôi,… Trong trường hợp mô nướu bị viêm nhiễm cấp, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc đường uống (kháng sinh, giảm đau, chống viêm). Các biện pháp chăm sóc tại nhà: Sâu răng lâu năm gây ra không ít triệu chứng khó chịu như đau nhức, mô nướu sưng viêm, chảy máu, hôi miệng,… Để giảm nhẹ các triệu chứng này, bạn có thể thực hiện thêm một số biện pháp tại nhà như chườm đá, súc miệng với nước muối ấm, dùng thức ăn mềm, lỏng, tận dụng thảo dược tự nhiên. Sâu răng để lâu năm có thể dẫn đến nhiều biến chứng và hệ lụy nặng nề. Hy vọng qua bài viết, bạn đọc có thể hiểu rõ về những ảnh hưởng của bệnh lý này và có hướng điều trị, chăm sóc phù hợp để bảo vệ sức khỏe răng miệng.